Bàn thờ vốn được xem là nơi linh thiêng của mỗi gia đình nên việc lau dọn bàn thờ cũng rất được mọi người coi trọng. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, chuẩn bị chào đón một năm mới sắp đến với mong muốn cầu những điều bình an, may mắn và tài lộc cho gia đình, nếu có gì sai sót thì bị xem là không may mắn trong cả năm tiếp theo. Vậy cách dọn bàn thờ cuối năm như thế nào là đúng cách? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay nhé.
Dọn bàn thờ cuối năm thích hợp nhất vào thời điểm nào?
Thông thường, việc lua dọn bàn thờ cuối năm nói chung và tỉa chân hương nói riêng sẽ thường được diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm (tức ngày ông Công ông Táo về trời, báo cáo kết quả một năm qua). Trước khi tiến hành lau dọn cũng như tỉa chân hương, gia chủ cần thắp hương xin phép các vị thần linh, tổ tiên rồi sau đó mới thực hiện. Chân hương đã thắp trong suốt một năm qua sẽ được tỉa bớt (lưu ý vẫn phải bớt lại một ít chân hương, không nên tỉa hết), những chân hương được tỉa sẽ được hóa cùng với tiền vàng khi gia chủ hóa vàng.
Ngày nay, do cuộc sống đã có nhiều thay dổi nên nhiều người cũng bận rộn hơn, dẫn đến không thể dọn bàn thờ một cách cẩn thận và chu đáo vào ngày này, nên gia chủ có thể lựa chọn một ngày phù hợp khác để tiến hành lau dọn bàn thờ. Ngày này thường sẽ là một ngày tốt sau ngày 23 tháng Chạp, do ngày tốt mỗi năm mỗi khác, các bạn có thể xem và chọn ngày phù hợp nhé.
Cách dọn bàn thờ cuối năm như thế nào là đúng chuẩn?
Hãy theo những hướng dẫn bên dưới đây để biết được khi dọn bàn thờ cuối năm cần những gì nhé. Sẽ là rất tuyệt vời nếu có thêm 1 người dọn cùng vừa vui vừa nhanh đấy.
Lựa chọn người lau dọn
Thật ra việc này ai trong gia đình cũng có thể thực hiện được. Tuy nhiên như mình đã nói ở trên, bàn thờ là nơi linh thiêng, do đó tốt nhất nên chọn những người có tâm thờ cúng, chỉn chu trong gia đình để lau dọn là tốt nhất. Trước khi lau dọn, người này cần phải tắm rửa sạch sẽ và khi thực hiện, đặc biệt là việc tỉa chân hương cần phải làm một cách sạch sẽ, tỉ mỉ và tâm thành kính.
Khấn gia tiên và thần linh
Trước khi tiến hành lau dọn bàn thờ, chúng ta nên chuẩn bị một ít hoa quả hoặc bành kẹo để thắp hương, xin các vị tổ tiên và thần linh cho phép chúng ta lau dọn bàn thờ, đồng thời mời các các vị tổ tiên và thần linh, sẽ tạm thời lánh sang 1 bên trong lúc chúng ta lau dọn. Sau đó chờ đến khi hết hương thì chúng ta có thể bắt đầu lau dọn bàn thờ.
Dọn từ trên xuống dưới
Khi lau dọn, chú ý nên lau theo chiều từ trên xuống dưới, tiến hành lau dọn từ trên cao, sau đó mới xuống thấp. Đối với những bức tượng hay đồ thờ bằng đồng, chỉ nên dùng khăn sạch và nước sạch để lau, tuyệt đối không lau bằng hóa chất, cồn hay rượu, vì như thế sẽ khiến đồ đồng bị ô xy hóa, dẫn đến han rỉ chuyển màu hoặc bị xỉn. Thêm một lưu ý là khi lau nên sử dụng khăn mềm, tránh cho đồ thờ, tượng hay ảnh, bài vị bị bay màu sơn hoặc thậm chí là xước xát.
Tiếp theo đó, cần thay nước cúng, nước ở các bình hoa, đặc biệt là hoa héo, hay tàn cũng cần phải được thay luôn.
Sau khi đã hoàn thành công việc, cần thắp hương để cảm ơn các vị thần linh và tổ tiên, đồng thời mời các vị thần và các cụ về quy tụ.
Khi dọn bàn thờ cuối năm đón tết cần chú ý điều gì?
Các cụ có câu có thờ có thiêng có kiêng có lành nên chúng ta cần chú ý 1 số quy tắc. Tưởng chừng như việc dọn ban thờ chỉ là bình thường ai ngờ đâu có những điều mà chúng ta không nên làm.
Tránh làm xê dịch bát hương
Bàn thờ nói chung và bán hương nói riêng được xem là nơi kết nối tâm linh, là sợi dây gắn kết giữa trần gian và cõi âm. Do đó việc xê dịch bát hương là rất hạn chế, vì nếu việc làm này có thể sẽ làm đứt sợi dây gắn kết đó, đặc biệt nếu di chuyển sang hướng xấu còn có thể khiến gia đình gặp phải những điều không may, sức khỏe và tiền tài sa sút.
Do đó trong quá trình lau dọn, cần tránh làm xê dịch bát hương, có thể dùng 1 tay cố dịnh bát hương, 1 tay còn lại thì dùng khăn mềm, lau sạch những bụi bẩm bám trên bát hương.
Tránh làm đổ vỡ những đồ thờ trên bàn thờ
Việc đổ vỡ vốn đã được xem là những điểu không may mắn. Đặc biệt là đối với đồ thờ, những vật dụng tượng trưng cho lòng thành kính của gia chủ với gia tiên. Nếu không may làm đổ vỡ, thì theo dân gian gia chủ có thể sẽ gặp phải những chuyện không tốt, gây ra cảm giác lo sợ bất an.
Thận trọng với tro, chân hương
Khi tỉa, một tay cần giữ bát hương để tránh xê dịch, ta còn lại rút chân hương một cách nhẹ nhàng tránh làm tro bị tung tóe. Tỉa lần lượt cho đến khi số chân hương còn lại là số lẻ: 3, 5, 7, 9 là được. Đối với người đã mất nhưng chưa được 3 năm thì nếu là phụ nữ sẽ giữ lại 9 chân hương, còn nếu là đàn ông thì sẽ giữ lại 7 chân hương.
Chưa kể đi kèm đó thì những tro hương này không phải là vứt đi đâu cũng được. Mà thay vào đó chúng ta nên tìm các nơi sạch sẽ để có thể loại bỏ chúng. Sẽ tốt hơn cả chúng ta nên đốt các chân hương còn xót lại và đổ những tro vào các vị trí thích hợp. Nên tham khảo ý kiến của các vị cao tuổi để tìm được nơi phù hợp nhất.
Khi lấy tro, chúng ta sẽ lấy thìa để xúc tro cũ ra, không được cầm bát hương để dốc, vì sẽ làm xê dịch bát hương, lại mang nghĩa tán tán, không tốt cho gia chủ do tro bị đổ ồ ạt ra ngoài. Tiếp theo đó sẽ đổ tro mới vào, hàm ý là tiền tài của cải sẽ đến với gia chủ trong năm mới.
Những chú ý với cách dọn bàn thờ cuối năm sẽ giúp cho gia chủ có thể ăn tết ngon hơn nhờ bàn thờ sạch sẽ gọn gàng. Đây cũng là thể hiện sự hiếu kính với ông bà tổ tiên khi năm hết tết đến mời gia tiên về ăn tết. Thường sẽ là những bậc cao niên trong nhà phụ trách việc dọn dẹp bàn thờ vì họ biết được các quy tắc cần thiết. Tuy nhiên nếu đã lớn tuổi thì bạn hãy thay ông bà bố mẹ thực hiện điều này dưới sự hướng dẫn của họ nhé.